Hong Kong vs Singpore: Đâu là lựa chọn tối ưu cho các công ty xuất nhập khẩu
Hong Kong và Singapore là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường quốc tế. Việc lựa chọn địa điểm thành lập công ty khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Dưới đây là một số thông tin các doanh nghiệp có thể cân nhắc để lựa chọn quốc gia phù hợp với mình.
1. Hong Kong và Singapore: Cơ hội kinh doanh quốc tế và hội nhập thế giới
Cả Hong Kong và Singapore đều có vị trí địa lý chiến lược, cơ sở vật chất hiện đại và chính sách mở cửa thuận lợi cho việc kinh doanh quốc tế. Trong khi Hong Kong đóng vai trò như một cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc thì Singapore lại đóng vai trò như là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ lớn của thế giới.
1.1. Vị trí địa lý:
Hong Kong là đặc khu hành chính nằm ở phía nam Trung Quốc, gần các tỉnh phát triển công nghiệp, điều này tạo thuận lợi tiếp cận thị trường Trung Quốc đại lục, thị trường tỷ dân quy mô lớn bậc nhất của thế giới.
Tọa lạc tại trung tâm Đông Nam Á, Singapore nằm ở giao điểm của con đường huyết mạch vận chuyển hàng hải giữa Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và eo biển Malacca. Điều này thúc đẩy Singapore trở thành điểm chiến lược trong sự phát triển giao thương và vận tải đường biển của thế giới.
1.2. Cơ sở vật chất:
Hong Kong và Singapore đều sở hữu hệ thống logistics hiện đại với nhiều cảng biển và sân bay lớn. Cảng Hong Kong là một trong số những bến cảng quy mô lớn và nhộn nhịp nhất, là cầu nối giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, các cảng biển của Singapore là cầu nối nhanh nhất giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, thúc đẩy thương mại hàng hải quốc tế.
1.3. Mậu dịch tự do và thương mại quốc tế:
Hong Kong và Singapore đều có hệ thống pháp luật dựa trên Common Law của Anh với những quy định rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giao thương quốc tế.
Hong Kong là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc của thế giới. Hiệp định Thương mại tự do CEPA giữa Hong Kong và Trung Quốc cho phép doanh nghiệp từ cả hai phía được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% hay gỡ bỏ các hạn ngạch thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu. Nước này có Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước như ASEAN, Úc, New Zealand, v.v.
Trong khi đó, Singapore lại là thiên đường cho ngành thương mại quốc tế. Singapore dần trở thành trung tâm thương mại toàn cầu khi sở hữu các hiệp định thương mại tự do với rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới như ASEAN, Hàn, Nhật, Ấn, EU,...
2. Quy định về thuế và thành lập công ty offshore tại Hong Kong và Singapore
2.1. Thuế và các chương trình miễn thuế:
Các công ty Hong Kong được miễn thuế đối với phần lợi nhuận phát sinh từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia này. Mức thuế cho phần lợi nhuận từ bên trong Hong Kong được phân theo 2 bậc:
- Đối với 2 triệu HKD lợi nhuận đầu tiên: 8.25%
- Sau 2 triệu HKD lợi nhuận đầu tiên: 16.5%
Tại Singapore, mức thuế doanh nghiệp cho các công ty cố định tại 17%, áp dụng cho cả phần lợi nhuận phát sinh bên trong và bên ngoài quốc gia này. Ngoài ra, Singapore có chính sách miễn giảm thuế lũy tiến cho công ty startup đủ điều kiện (được quản lý và kiểm soát bên trong Singapore, hoạt động như những công ty địa phương, có văn phòng, nhân viên đầy đủ). Doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây: https://www.iras.gov.sg/taxes/corporate-income-tax/basics-of-corporate-income-tax/corporate-income-tax-rate-rebates-and-tax-exemption-schemes
Hong Kong và Singapore đều không áp dụng thuế thặng dư vốn (share capital gain tax) và thuế cổ tức (dividends tax). Tuy nhiên, trong khi công ty Hong Kong không cần nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thì các công ty Singapore phải trả thuế GST là 9% (áp dụng từ 2024). Các công ty có doanh thu chịu thuế hàng năm vượt quá 1 triệu SGD bắt buộc phải đăng ký GST, dưới mức này thì việc đăng ký GST là hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra, các công ty xuất nhập khẩu Hong Kong có giao thương với Trung Quốc sẽ được miễn thuế nhập khẩu khi giao thương với Trung Quốc nhờ vào Hiệp định thương mại tự do (CEPA) giữa Hong Kong và Trung Quốc.
2.2. Về loại hình doanh nghiệp:
Thông thường, các công ty nước ngoài thành lập tại Hong Kong và Singapore đều là Công Ty Trách nhiệm Hữu hạn. Loại hình doanh nghiệp này không có yêu cầu về vốn cổ phần tối thiểu, nhưng bắt buộc phải nộp đủ vốn đăng ký vào tài khoản của công ty. Trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn trong số cổ phần mà họ nắm giữ.
Tại Singapore và Hong Kong, thông tin công ty sẽ được công khai trên trang web của chính phủ. Tuy nhiên, để biết được thông tin chủ sở hữu thì cần phải trả thêm một khoản phí cho chính phủ.
Trong khi các công ty offshore Hong Kong có thể sở hữu bởi người nước ngoài 100% thì các công ty Singapore bắt buộc phải có 1 người giám đốc là người địa phương. Nếu không có sẵn một giám đốc thường trú tại Singapore, các doanh nghiệp phải trả thêm một khoản chi phí để thuê một người giám đốc địa phương (local nominee director) mang quốc tịch Singapore. Người này sẽ chỉ đứng tên để thành lập công ty mà không can dự vào bất kỳ hoạt động kinh doanh, truy cập thông tin ngân hàng hay ký tá bất kỳ hồ sơ nào. Ngoài ra, cả hai bên sẽ ký một thỏa thuận, trong đó bao gồm các điều khoản, trách nhiệm và quyền hạn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên.
Chính vì vậy, khoản phí thành lập công ty Singapore có thể cao hơn so với công ty Hong Kong. Nếu doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí thành lập doanh nghiệp thì Hong Kong là lựa chọn tối ưu hơn.
Công ty TNHH tại Hong Kong và Singapore đều có quy trình thành lập nhanh chóng, 100% online. Công ty sẽ được thành lập chỉ sau 1-2 ngày sau khi thông qua các bước kiểm tra tuân thủ. Điều này giúp tối ưu hoá cả về mặt chi phí và thời gian của chủ doanh nghiệp.
2.3. Quy trình tuân thủ hàng năm:
Tất cả các doanh nghiệp tại Hong Kong và Singapore đều được yêu cầu làm báo cáo kế toán, kiểm toán và khai thuế hàng năm.
Tại Hong Kong tất cả các công ty đều phải làm kiểm toán theo quy định của chính phủ, ngoại trừ các công ty dormant (công ty không hoạt động). Trong khi đó, các công ty có quy mô nhỏ tại Singapore có thể được miễn làm kiểm toán. Điều này giúp các công ty Singapore có thể tiết kiệm được một khoản chi phí dành cho việc thực hiện báo cáo kiểm toán hàng năm.
Các công ty Singapore thoả 2 trong số 3 điều kiện sau có thể được miễn làm kiểm toán:
- Có ít hơn 50 nhân viên
- Doanh thu hàng năm dưới 10,000,000 SGD
- Tổng tài sản dưới 10,000,000 SGD
3. Hong Kong và Singapore: Tài khoản ngân hàng
Nhờ vào hệ thống pháp luật rõ ràng và các quy định tuân thủ pháp luật hàng năm chặt chẽ, Singapore và Hong Kong là một trong số các quốc gia nổi tiếng hàng đầu thế giới về thương mại toàn cầu. Rất nhiều các ngân hàng lớn của thế giới đã lựa chọn thành lập trụ sở chính ở hai quốc gia này. Tiêu biểu nhất là HSBC Hong Kong, OCBC Singapore, DBS Singapore.
Với nhiều ngân hàng truyền thống để lựa chọn, các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ LC (letter of credit), thẻ cứng (thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng) và các dịch vụ online banking từ các ngân hàng truyền thống tại cả Hong Kong và Singapore, tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình xuất nhập khẩu và giao nhận hàng hóa.
Các doanh nghiệp tại Singapore và Hong Kong đều có thể tích hợp mở cổng thanh toán nhận thanh toán quốc tế. Hong Kong hiện có nhiều lựa chọn về cổng thanh toán nhất bao gồm Airwallex Pay, Payoneer Checkout, Paypal hay Stripe. Điều này giúp doanh nghiệp có thể lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu kinh doanh và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo an toàn, linh hoạt và tích hợp trong quy trình quản lý thanh toán.
Kết luận
Với vị trí địa lý chiến lược, cơ sở vật chất hiện đại, nhiều chính sách thuế ưu đãi với nhiều ngân hàng lớn để lựa chọn, Singapore và Hong Kong là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế. Trong khi Hong Kong là điểm đến lý tưởng của các công ty xuất nhập khẩu giao thương nhiều với Trung Quốc nhờ vào chính sách thuế ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Hong Kong - Trung Quốc; Singapore lại là điểm đến lý tưởng cho thương mại toàn cầu và phát triển các ngành dịch vụ như công nghệ, logistics và đầu tư tài chính nhờ vào sự phát triển nhanh chóng về cơ sở vật chất và hạ tầng.
Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và tình hình cụ thể của các doanh nghiệp. Hãy liên hệ ngay với Global Offshore Company qua email info@globaloffshorecompany.com hoặc +84 766 23 31 31 để được tư vấn và hỗ trợ toàn diện cho kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.